Đặc điểm Xóm Gà

Xóm Gà nằm cách chợ Bà ChiểuLăng Ông Bà Chiểu khoảng bốn cây số, và cách chợ Bến Thành khoảng mười cây số. Khi xưa, nơi đó là một xóm quê, nhưng có chợ khá sầm uất, có đường lộ cho xe ngựa, xe hơi qua lại. Còn nhà cửa, thì được xây dựng bằng đủ thứ vật liệu (cây, , tole, xi măng) xen lẫn.

Ngoài số cư dân địa phương, Xóm Gà còn có một số dân nghèo ở các nơi khác đến tạm trú để mỗi ngày đến Sài Gòn - Chợ Lớn làm thuê.

Địa danh Xóm Gà chỉ là cái tên do dân gian đặt cho, nên nó không có trong bản đồ hay giấy tờ hành chính. Nhưng do đâu mà có cái tên này, sách Sài Gòn vang bóng [1] giải thích:

Trước đây ở xã Bình Hòa, đất rộng người thưa, nên có không ít người dân chuyên sống bằng nghề ruộng rẫy hoặc chăn nuôi gia súc như bò, heo và nhiều nhất là gà đủ loại...Vì vậy, mảnh đất mà những người chuyên nuôi gà tụ hội để bán buôn, lâu ngày được mang tên Xóm Gà. Ngoài việc cung cấp gà thịt, người dân có nuôi thêm giống gà tre, gà nòi để bán cho những tay có máu mê cờ bạc. Do vậy, những tụ điểm đá gà (trường gà) đã tự hình thành, để rồi nổi tiếng là nơi dám ăn thua lớn.

Và Xóm Gà, đến hôm nay vẫn còn được nhiều người cao tuổi nhớ và nhắc đến. Bởi những năm đầu thế kỷ 20, một số văn thi sĩ, nhà báo có tên tuổi ở khắp ba miền đã tới đó cư ngụ hoặc lui tới đó để sáng tác, bình văn. Điểm qua có các ông, như: Phan Khôi, Tản Đà, Ngô Tất Tố, Tùng Lâm (Lê Cương Phụng), Tế Xuyên (Hoàng Văn Tiếp), Trần Tấn Quốc, Ngọa Long (Nguyễn Kim Lượng)...Ngoài số văn nghệ sĩ trên, Xóm Gà còn có các "Đại ca" giàu nghĩa khí, như: Nguyễn Hữu Nghĩa, Năm Đồ, Năm Tồn, Ba Giáp...